Các khái niệm Chủ_nghĩa_hiện_sinh

Hiện hữu có trước bản chất

Xem thêm: Existence precedes essence

Sartre tuyên bố nội dung cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh là Hiện hữu có trước bản chất. Điều này có nghĩa rằng điều quan trọng nhất đáng để lưu tâm đối với các cá nhân đó là họ là các cá nhân - các thực thể (beings) hành động độc lập và tự chịu trách nhiệm, có ý thức (tức "hiện hữu") - hơn là những mác dán, vai trò, kiểu người được định trước khác (tức "bản chất"). Cuộc sống thực tế của các cá nhân là những gì tạo nên cái có thể gọi là "bản chất thực sự" của họ thay vì một bản chất có sẵn được quy kết một cách tùy tiện bởi người khác. Do đó, con người, thông qua ý thức của chính mình, kiến tạo ra các giá trị của chính mình và xác định ý nghĩa cho cuộc cuộc sống của mình.[27] Sartre là người đưa ra phát biểu này một cách rõ ràng, nhưng những quan niệm tương tự cũng có thể được tìm thấy trong tư tưởng của các triết gia hiện sinh khác như HeideggerKierkegaard:

"Hình thức nhà tư tưởng chủ quan, hình thức giao tiếp của nhà tư tưởng, là phong cách của anh ta. Hình thức của anh ta phải giống như những mặt đối lập mà anh ta nắm giữ với nhau. Eins, zwei, drei có hệ thống là một hình thức trừu tượng chắc chắn cũng sẽ gặp rắc rối bất cứ khi nào nó được áp dụng cho sự cụ thể. Ở cùng mức độ với nhà tư tưởng chủ quan là cụ thể, ở mức độ tương tự, hình thức của anh ta cũng phải được biện chứng một cách cụ thể. Không phải là nhà thơ, không phải là nhà đạo đức, không phải là nhà biện chứng, nên hình thức của anh ta cũng không phải là trực tiếp. Hình thức của anh ta trước hết phải liên quan đến sự tồn tại, và về mặt này anh ta phải có ý định của mình về mặt thi pháp, đạo đức, tính biện chứng, tôn giáo. Tính cách phụ thuộc, bối cảnh, v.v., thuộc về tính cân bằng của sản phẩm thẩm mỹ, bản thân chúng là bề rộng, nhà tư tưởng chủ quan chỉ có một thiết lập sự tồn tại của mình và không liên quan gì đến cục bộ và những thứ đại loại như vậy. Khung cảnh không phải là xứ sở thần tiên của trí tưởng tượng, nơi thơ ca dẫn đến sự thưởng thức, cũng không phải là bối cảnh được đặt ở Anh, và độ chính xác lịch sử không phải là một mối quan tâm. Bối cảnh là nội tâm trong sự hiện hữu như một con người; cụ thể là mối quan hệ của các thể loại tồn tại với nhau. Độ chính xác lịch sử và thực tế lịch sử là bề rộng." Søren Kierkegaard (Concluding Postscript, Hong pp. 357–58)

Một số người giải thích mệnh đề quả quyết ở trên với nghĩa rằng mỗi người có thể mong ước trở thành bất cứ điều gì. Tuy nhiên, triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh sẽ bảo rằng mong ước như vậy tạo nên một sự hiện hữu không đích thực - điều mà Sartre sẽ gọi là "ngụy tín", hay đức tin xấu. Thay vào đó, mệnh đề trên nên được sử dụng để nói rằng mọi người (1) chỉ được định nghĩa trong chừng mực khi họ hành động và rằng (2) họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Ví dụ, khi một ai đó hành động tàn ác với người khác, thì với hành động đó, họ được định nghĩa là một người độc ác. Hơn nữa, bằng hành động tàn ác này, họ tự chịu trách nhiệm về định danh mới của họ (người độc ác). Chính hành động này là thứ mang tội chứ không phải do gen của họ, hay do bản chất con người nói chung.

Như Sartre đã nói trong bài giảng Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản: "... con người trước hết tồn tại, đối diện với chính mình, khẳng định mình trong thế giới - và định nghĩa bản thân mình sau đó". Ở góc độ tích cực và với tác dụng chữa lành, điều này cũng ngụ ý rằng: Mỗi người có thể lựa chọn hành động theo một cách khác, và trở thành một người tốt thay vì một người độc ác.[28]

Định nghĩa về chủ nghĩa hiện sinh của Sartre căn cứ trên cơ sở kiệt tác Tồn tại và Thời gian của Heidegger. Trong thư từ trao đổi với Jean Beaufret và sau đó được xuất bản với tên là Thư từ về thuyết nhân bản (Letter on Humanism), Heidegger ngụ ý rằng Sartre đã hiểu lầm mình vì ý định chủ quan của chính anh ta, và rằng ông không có ý cho rằng hành động quan trọng hơn hiện hữu cho đến chừng nào những hành động đó không phải ánh sự hiện hữu.[29] Heidegger bình luận rằng "sự đảo ngược của một tuyên bố siêu hình vẫn là một tuyên bố siêu hình", điều này có nghĩa ông nghĩ Sartre đã chỉ đơn giản đảo ngược vai trò truyền thống của bản chất và hiện hữu mà không truy vấn về các khái niệm này và lịch sử của chúng theo cách mà Heidegger tuyên bố đã thực hiện.[30]

Sự phi lý

Xem thêm: Absurdism

Sisyphus, biểu tượng của sự phi lý của sự tồn tại, tranh của Franz Stuck (1920)

Quan niệm về sự phi lý ngụ ý rằng không có ý nghĩa nào khác trong thế giới này ngoài ý nghĩa mà chúng ta mang đến cho nó. Sự vô nghĩa này cũng bao gồm cả sự vô đạo đức hay "sự bất công" của thế giới. Quan niệm này đối lập với quan điểm truyền thống của đạo Hồi và Kito giáo, trong đó khẳng định mục đích của cuộc sống là để thực hiện các điều răn của Thiên Chúa.[31] Mục đích đó là những gì mang lại ý nghĩa cho đời sống con người. Sống một cuộc sống phi lý có nghĩa là từ chối việc kiếm tìm hoặc đeo đuổi một ý nghĩa cụ thể nào đó cho sự tồn tại của con người vì chẳng có điều gì như thế cả. Theo Albert Camus, thế giới này hay con người không phải phi lý tự nó. Sự phi lý chỉ xuất hiện thông qua sự kết hợp của cả hai, khi mà sự không tương thích giữa con người và thế giới mà họ sống trong tạo nên sự phi lý của đời sống.[31] Đây là một trong hai góc nhìn về sự phi lý trong văn học hiện sinh. Góc nhìn thứ hai, được khởi tạo bởi Søren Kierkegaard, cho rằng sự phi lý được giới hạn cho những hành động và lựa chọn của tồn tại người (human beings). Chúng được coi là phi lý vì chúng xuất phát từ tự do của con người, trong khi đồng thời làm xói mòn nền tảng của chính chúng từ bên ngoài.[32]

Quan niệm về sự phi lý trong chủ nghĩa hiện sinh trái ngược với tuyên bố cho rằng "những điều xấu không xảy ra với người tốt"; đối với thế giới, nói một cách ẩn dụ, không có người tốt hay người xấu; điều gì xảy ra là xảy ra, và nó cũng có thể xảy ra với một người "tốt" cũng như với một người "xấu".[33] Bởi sự phi lý của thế giới, tại bất cứ thời điểm nào, bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến với bất cứ ai, và một sự kiện bi thảm có thể đưa thẳng ai đó đến đối đầu trực tiếp với Sự phi lý. Sự phi lý đã từng được đề cập đến trong văn chương suốt chiều dài lịch sử. Nhiều tác phẩm văn học của Søren Kierkegaard, Samuel Beckett, Franz Kafka, Fyodor Dostoyevsky, Eugène Ionesco, Miguel de Unamuno, Luigi Pirandello,[34][35][36][37] Jean-Paul Sartre, Joseph HellerAlbert Camus mô tả về những con người phải đương đầu với sự phi lý của thế giới.

Chính từ mối liên hệ với nhận thức tàn khốc về sự vô nghĩa này mà Albert Camus đã tuyên bố trong cuốn Thần thoại về Sisyphus: "Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm trọng, đó là tự sát". Mặc dù "toa thuốc" chống lại hệ quả có hại của sự đối đầu này khác nhau, từ "bước nhảy" (stage) tôn giáo của Kierkegaard đến sự khăng khăng kiên trì bất chấp phi lý của Camus, mối quan tâm của đa số các nhà triết học hiện sinh là giúp ngăn mọi người sống cuộc sống của họ theo cách khiến họ bị đặt trong sự nguy hiểm thường trực của việc thấy mọi thứ có ý nghĩa đều tan vỡ. Khả thể của việc thấy mọi thứ có ý nghĩa đều tan vỡ đặt ra sự đe dọa gây bởi chủ nghĩa tịch tĩnh (quietism), là thứ vốn đối lập với triết học hiện sinh. Có người nói rằng nguy cơ tự sát biến tất cả con người thành các nhà hiện sinh. Người anh hùng thực sự của chủ nghĩa phi lý sống cuộc sống của họ không cần ý nghĩa, đối diện với sự tự sát mà không chịu khuất phục.[38]

Kiện tính

Cái này với Heidegger chỉ có nghĩa là THỰC TÍNH (Faktizität), làm gì có cái gì gọi là Kiện tính????? (Katti) Xem thêm: Facticity

Kiện tính là một khái niệm được định nghĩa bởi Sartre trong Tồn tại và hư vô là cái-tự-mình (in-itself), nó phân định cụ thể cho con người về các phương thức tồn tại và không tồn tại. Điều này có thể dễ hiểu hơn khi xem xét kiện tính trong mối quan hệ với chiều kích thời gian của quá khứ chúng ta: quá khứ của một người là cái mà người ta là, theo nghĩa rằng nó đồng kiến tạo nên cá nhân người đó. Dẫu sao, chúng ta sẽ bỏ qua một phần quan trọng của hiện thực (hiện tại và tương lai) nếu nói rằng một người chỉ là quá khứ của người đó, trong khi đó thì nói rằng quá khứ của một người chỉ là những gì họ từng là sẽ tách rời quá khứ đó hoàn toàn khỏi người đó hiện giờ. Sự phủ nhận quá khứ cụ thể của chính mình tạo nên một lối sống không đích thực (inauthentic), và điều tương tự cũng xảy ra với tất cả các loại kiện tính khác (bao gồm cả cơ thể người - ví dụ, cơ thể con người không cho phép một người chạy nhanh hơn tốc độ của âm thanh - bản sắc, giá trị v.v.).[39]

Kiện tính vừa là giới hạn vừa là điều kiện của tự do. Nó là giới hạn ở chỗ đa phần trong kiện tính của con người là những thứ mà ta không thể chọn lựa (ví dụ như nơi sinh...), nhưng là điều kiện của tự do theo nghĩa là những giá trị (values) của một người rất có thể phụ thuộc vào nó. Dẫu sao, mặc dù kiện tính của một người là cố định, không thể thay đổi ("set in stone") (ví dụ như quá khứ), nó không thể quy định một con người: giá trị được gán cho kiện tính của một con người vẫn được người đó gán cho nó một cách tự do. Ví dụ, xem xét hai người đàn ông, một trong số họ không có ký ức về quá khứ của mình và người còn lại thì nhớ tất cả mọi thứ. Cả hai đã phạm nhiều tội ác, nhưng người đàn ông đầu tiên, không biết gì về điều này, có một cuộc sống khá bình thường trong khi người đàn ông thứ hai, cảm thấy bị mắc kẹt trong quá khứ của chính mình, tiếp tục một cuộc sóng tội ác, đổ lỗi rằng quá khứ đã "nhốt" anh ta trong cuộc sống như thế. Không có điều gì mang tính bản chất quy định việc thực hiện những tội ác sắp tới, nhưng anh ta gán ý nghĩa này cho quá khứ của mình.

Dẫu sao, việc vượt thoát khỏi kiện tính của một người khi, trong quá trình tự kiến tạo bản thân liên tục, mỗi người dự phóng bản thân vào tương lai, có thể khiến một người phủ nhận chính mình, và do đó có thể là không đích thực. Nói cách khác, cơ sở cho dự phóng của mỗi người vẫn phải là kiện tính của họ, mặc dù trong phương thức không là nó (một cách căn bản). Ví dụ về một người chỉ tập trung đơn thuần vào các dự phóng có thể có mà không phản tư về kiện tính hiện tại của họ:[39] một người liên tục nghĩ về những khả thể liên quan đến việc giàu có ở tương lai (ví dụ, có xe xịn hơn, nhà to hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn...) mà không thèm quan tâm đến kiện tính rằng họ hiện tại không có những phương tiện tài chính cho việc đó. Trong ví dụ này, xét cả đến kiện tính và tính siêu việt, một phương thức tồn tại đích thực có thể xem xét những dự phóng tương lai có thể cải thiện tình trạng tài chính hiện tại (ví dụ làm thêm giờ hay đem các khoản tiết kiệm đi đầu tư) để có thể đạt đến một kiện tính tương lai (future-facticity) với một mức tăng thu nhập hợp lý và sau đó có thể dẫn tới mua được một chiếc xe phù hợp.

Một khía cạnh khác của kiện tính là nó kéo theo sự giận dữ (angst), cả theo nghĩa sự tự do "tạo ra" sự giận dữ khi bị giới hạn bởi kiện tính, và cả theo nghĩa sự thiếu hụt những khả thể kiện tính để "can thiệp" để mỗi người nhận lấy trách nhiệm về điều mình đã làm, cũng tạo ra sự giận dữ.

Một khía cạnh khác của tự do hiện sinh là mỗi người có thể thay đổi những giá trị của chính mình. Do đó, mỗi người chịu trách nhiệm về những giá trị của chính mình, bất kể những giá trị của xã hội là như thế nào. Việc đặt trọng tâm vào nội dung tự do (freedom) trong chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến những giới hạn trách nhiệm mà một người phải chịu, như là hệ quả của tự do của họ: mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm là một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, và sự làm rõ về tự do cũng làm rõ những điều mà một người phải chịu trách nhiệm.[40][41]

Tính đích thực

Xem thêm: Authenticity

Nhiều tác gia hiện sinh có được nhắc đến ở trên coi trọng chủ đề về sự tồn tại đích thực(authentic existence). Sự tồn tại đích thực liên quan đến ý tưởng cho rằng người ta phải "tạo ra chính mình" và sau đó sống theo "cái mình" ("self") được tạo ra ấy. Ý nghĩa của tính đích thực(authenticity) là trong hành động, con người nên hành động như là chính mình (oneself), chứ không phải như là "những hành động của chính mình" ("one's acts") hay "các gen của chính mình" ("one's genes") hay bất kì bản chất (essence) nào khác yêu cầu mình. Hành động đích thực (authentic act) là hành động phù hợp với tự do của mỗi người. Vì điều kiện của tự do là kiện tính(facticity), nó bao gồm kiện tính của mỗi người, nhưng không đến mức độ mà kiện tính này, có thể theo bất kỳ cách thức nào, quyết định những lựa chọn siêu việt (transcendental) của họ (theo nghĩa mà người ta sau đó có thể đổ lỗi rằng chính nền tảng [kiện tính] của họ đã khiến họ lựa chọn như thế chứ không phải là do bản thân cá nhân họ chọn [dự phóng đã được chọn, từ sự siêu việt của họ]). Vai trò của kiện tính trong mối quan hệ với tính đích thực thể hiện ở việc nó cho phép các giá trị thực sự của một người (one's actual values) được thể hiện ra khi người ta thực hiện lựa chọn (thay vì, như Esthete của Kierkegaard, "chọn" một cách ngẫu nhiên), và nhờ thế người ta chịu trách nhiệm cho hành động thay vì cho phép hay không các lựa chọn (options) khác nhau có những giá trị khác nhau.[42]

Trái ngược với điều này, sự không đích thực(inauthentic) là sự từ chối sống theo tự do. Điều này có thể ẩn dưới nhiều hình thức, từ giả bộ rằng các lựa chọn đều là vô nghĩa hoặc chỉ đơn thuần là ngẫu nhiên, hoặc thông qua việc tự thuyết phục bản thân mình rằng một số dạng thức nào đó của tất định luận (determinism) là đúng, đến một loại "bắt chước" khi mà một người làm theo cách mà "mỗi người nên làm".

Việc "mỗi người nên làm gì" thường được quyết định bởi hình ảnh mà người ta có, về cách một người như chính mình (giả sử, một người quản lý ngân hàng, người thuần hóa sư tử, gái mại dâm, v.v.) làm. Trong Tồn tại và hư vô, Sartre nêu ra ví dụ về một người bồi bàn mang đức tin xấu (bad faith): anh ta chỉ mới đơn thuần tham gia vào "sự trình diễn" về một bồi bàn điển hình, cho dù rất thuyết phục.[43] Hình ảnh này thường phù hợp với một số dạng chuẩn mực xã hội, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả hành động tuân theo các chuẩn mực xã hội đều là không đích thực: Điều chính yếu là thái độ của mỗi người với sự tự do và trách nhiệm của chính mình, và mức độ mà mỗi người hành động tương ứng với sự tự do ấy.

Người Khác và Cái Nhìn

Xem thêm: Other

Người Khác (khi được viết hoa), có thể được dịch là Kẻ Khác hoặc tha nhân, là một khái niệm mà nếu nói một cách chính xác hơn thì thuộc về hiện tượng học và quan niệm của nó về tính liên chủ thể (intersubjectivity). Tuy nhiên, khái niệm này đã được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm hiện sinh mặc dù các kết luận rút ra từ nó có khác biệt đôi chút với các quan niệm của hiện tượng học. Kinh nghiệm của Người Khác là kinh nghiệm của một chủ thể tự do khác sống trong cùng thế giới mà một người sống ở trong. Ở dạng cơ bản nhất, chính kinh nghiệm này của Người Khác tạo thành tính liên chủ thể và tính khách quan. Cụ thể hơn, khi một người kinh nghiệm một người khác và Người Khác này kinh nghiệm thế giới (cùng một thế giới mà người ấy kinh nghiệm), chỉ có thể "ở đó" ("over there"), thế giới tự nó được xây dựng lên như là khách quan, mà trong đó, có một cái gì "ở đó" giống hệt nhau với cả hai chủ thể; một người kinh nghiệm người kia khi đang kinh nghiệm cùng những thứ ấy. Kinh nghiệm này về sự nhìn của Người Khác là những gì được gọi là Cái Nhìn.[44]

Trong khi trải nghiệm này, theo ý nghĩa hiện tượng học cơ bản của nó, xây dựng nên thế giới như là khách quan và mỗi người như là chủ thể tính (subjectivity) thực tồn khách quan (mỗi người trải nghiệm chính mình như được nhìn thấy một cách cụ thể trong Cái Nhìn của Người Khác theo cùng cách thức mà một người kinh nghiệm một Người Khác được nhìn thấy bởi anh ta, như là chủ thể tính), trong chủ nghĩa hiện sinh, nó cũng được coi như một loại giới hạn của tự do. Điều này là do Cái Nhìn có xu hướng khách quan hóa những gì nó nhìn thấy. Như vậy, khi một người trải nghiệm chính mình trong Cái Nhìn, người ta không trải nghiệm chính mình như là không có gì (không có cái gì), mà là một thứ gì đó. Ví dụ của Sartre về một người đàn ông nhìn trộm ai đó qua lỗ khóa có thể giúp làm rõ điều này: lúc đầu, người đàn ông này hoàn toàn bị cuốn vào tình huống anh ta gặp phải; anh ta ở trong trạng thái tiền-phản tư khi mà toàn bộ ý thức của anh ta hướng vào những gì đang diễn ra trong phòng. Đột nhiên, anh nghe thấy tiếng sàn nhà ọp ẹp ở phía sau, và anh ta nhận ra chính mình cũng bị nhìn bởi Người Khác. Anh ta do đó cảm thấy xấu hổ vì anh ta nhận ra anh ta như là anh ta sẽ nhận ra ai đó khác cũng đang làm điều anh ta đang làm, như một Tom nhìn trộm (Peeping Tom). Đối với Sartre, trải nghiệm hiện tượng học về sự xấu hổ này kiến tạo một bằng chứng cho sự tồn tại của những tâm trí khác và đánh bại vấn đề của thuyết duy ngã (solipsism). Để trạng thái xấu hổ có ý thức này được trải nghiệm, người ta phải nhận thức được bản thân mình như là đối tượng của một cái nhìn khác, chứng minh một cách tiên nghiệm, rằng những tâm trí khác tồn tại.[45] Cái Nhìn lúc đó đồng cấu nên kiện tính (facticity) của người đó.

Một đặc điểm khác của Cái Nhìn là không có Người Khác nào thực sự cần phải ở đó: Hoàn toàn có khả năng sàn nhà ọp ẹp không có gì khác ngoài sự chuyển động do ngôi nhà cũ; Cái Nhìn không phải là một loại trải nghiệm thần giao cách cảm thần bí về cách thức thực tế mà người kia nhìn thấy (cũng có thể có ai đó ở đó thật, nhưng anh ta không nhận ra rằng người này ở đó). Đó chỉ là sự phản tư của một người về cách mà người khác có thể nhận ra về anh ta.

Giận dữ và sợ hãi

Xem thêm: Angst

"Cảm giác giận dữ mang tính hiện sinh" (existential angst), đôi khi được gọi là sự sợ hãi, lo âu, hay sự đau khổ (anguish) hiện sinh, là một thuật ngữ rất phổ biến với nhiều nhà tư tưởng hiện sinh. Nó thường được coi là cảm giác tiêu cực phát sinh từ trải nghiệm về sự tự do và trách nhiệm của con người. Ví dụ điển hình là trải nghiệm một người gặp phải khi người ta đứng trên một vách đá, nơi người ta không chỉ sợ hãi bị rơi xuống mà còn sợ hãi khả năng mình tự khiến mình nhảy xuống. Trong trải nghiệm này, "không có gì cản trở tôi", người ta cảm nhận việc không có bất cứ thứ gì tiền định quyết định việc người ta tự gieo mình xuống vách đá hay đứng yên, và người ta trải nghiệm sự tự do của chính mình. Giận dữ, theo nhà hiện sinh hiện đại, Adam Fong, là sự nhận ra một cách đột ngột về sự vô nghĩa (lack of meaning), thường xảy ra khi một người hoàn thành một nhiệm vụ mà ban đầu tưởng như có một ý nghĩa nội tại nào đó.[46]

Cũng có thể xem xét khái niệm này trong mối quan hệ với quan điểm trước đó, xem sự giận dữ ở trong mối quan hệ với "không gì cả" (nothing) như thế nào, và đây cũng chính là điều phân biệt nó với sự sợ hãi (fear), vốn có đối tượng gây ra sợ hãi. Ở trường hợp của sự sợ hãi, một người có thể thực hiện các biện pháp dứt khoát để loại bỏ đối tượng gây ra sợ hãi, trong trường hợp của sự giận dữ, không có biện pháp "mang tính xây dựng" nào như thế là khả dĩ. Việc sử dụng từ "không gì cả" trong bối cảnh này liên quan đến cả sự bất an vốn có với hậu quả hành động của con người, và cả với thực tế rằng, khi trải nghiệm tự do như là sự giận dữ, một người cũng nhận ra anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hậu quả này. Không có điều gì ở trong con người (chẳng hạn như về mặt di truyền), mà họ có thể đổ lỗi cho khi có điều gì đó sai xảy ra, có thể hành động thay cho họ. Do đó, không phải sự lựa chọn nào cũng được coi là mang theo những hậu quả đáng sợ có thể xảy ra (và, có thể khẳng định rằng, cuộc sống loài người sẽ không thể chịu đựng nổi nếu mỗi sự lựa chọn đều gây ra sự sợ hãi). Dẫu sao, điều này không thay đổi thực tế rằng tự do vẫn là hoàn cảnh (condition) của mọi hành động.

Sự tuyệt vọng

Xem thêm: Despair

Tuyệt vọng, trong chủ nghĩa hiện sinh, thường được định nghĩa là sự mất hy vọng.[47] Cụ thể hơn, đó là sự mất hy vọng khi phản ứng trước sự sụp đổ của một hoặc nhiều phẩm chất cốt yếu, mang tính định danh của cá nhân, tạo nên bản sắc cá nhân của một con người. Nếu một người định hình để trở thành một ai đó cụ thể, chẳng hạn như một tài xế xe buýt hoặc một công dân chính trực, và sau đó thấy rằng các phẩm chất cốt yếu đó không đạt được, thông thường họ sẽ rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Ví dụ, một ca sĩ mất khả năng ca hát có thể tuyệt vọng nếu anh ta không còn gì khác để dựa vào - không còn gì khác để danh tính của anh ta có thể dựa vào. Anh ta thấy mình không thể còn là cái mà đã tạo nên bản thân anh ta.

Điểm phân biệt khái niệm về sự tuyệt vọng của chủ nghĩa hiện sinh với khái niệm về sự tuyệt vọng thông thường đó là sự tuyệt vọng trong chủ nghĩa hiện sinh diễn ra ngay cả khi nó không công khai. Chừng nào danh tính của một người còn phụ thuộc vào những phẩm chất có thể sụp đổ, họ còn ở trong trạng thái tuyệt vọng vĩnh viễn - và theo cách nói của Sartre, không có bản chất nào có thể tìm thấy trong hiện thực thường nghiệm thông thường (conventional reality) của con người mà có thể xây dựng nên cảm giác về bản sắc cá nhân (individual's sense of identity), tuyệt vọng là hoàn cảnh con người phổ quát (universal human condition). Như Kierkegaard định nghĩa trong Either/Or: "Hãy để mỗi người học những gì anh ta có thể; cả hai chúng ta đều có thể học được rằng sự bất hạnh của một người không bao giờ nằm ​​trong sự thiếu kiểm soát của anh ta đối với các điều kiện bên ngoài, vì điều này chỉ khiến anh ta hoàn toàn bất hạnh."[48]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ_nghĩa_hiện_sinh http://www.tfd.com/despair http://www.nyu.edu/classes/keefer/hell/camus.html http://plato.stanford.edu/archives/sum2009/entries... http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/ http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/#... http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/#... http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/#... http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/#... http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/#... http://plato.stanford.edu/entries/existentialism/#...